Chiều tàn, Sông Lại, Quê hương
Nắng êm soi bóng dòng thương mơ màng
Thuyền xa trông bến lỡ làng
Bờ phai ôm ấp võ vàng khói mây.
Cánh chim mong mỏi tháng ngày
Thênh thang tìm lại phút giây ban đầu
Sông quê lặng lẽ bên cầu
Người quê man mác những màu hoài hương.
PNT
10.02.2024
Sông Lại là tên thường gọi của sông Lại Giang, quê tôi. Con sông gắn liền với đời sống của rất nhiều (không biết bao nhiêu) thế hệ dân quê, dù là ai, sống xa hay gần bờ sông. Trong hình dung của tôi, con sông như một dòng năng lượng sống, cứ chảy âm thầm, kiên nhẫn, lan toả sức sống đến từng ngõ ngách của vùng quê.
Sông Lại Giang là hợp lưu của hai con sông, khởi nguồn từ vùng núi Hoài Ân – An Lão. Về đến hạ nguồn, sông tạo thành ranh giới tự nhiên giữa: phía bắc gồm thị trấn Bồng Sơn, xã Hoài Xuân, Hoài Hương và phía nam gồm các xã Hoài Đức, Hoài Mỹ, Hoài Hải. Cửa biển An Dũ (nằm giữa Hoài Hương và Hoài Hải) là nơi sông Lại tạm thời kết thúc cuộc hành trình của mình (chắc chắn chỉ là tạm thời, dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng).
Sông hiền hòa là vậy, nhưng đôi lần cũng đã rất vô tình, gây cảnh tang thương cho vùng quê. Nhiều năm về trước, trước khi có con đập bê tông chạy dọc hai bờ sông như bây giờ, cứ đến mùa bão lũ là nước sông lại lan tràn, nhấn chìm quê tôi, cuốn trôi tài sản, cuốn trôi vật nuôi, và cả… cuốn trôi người. Nhất là các xã hạ lưu, Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Hương.
Một lần ngập lụt như vậy thường kéo dài trên dưới một tuần. Khi đó, không còn phân biệt chỗ nào là đường đi, bờ cỏ, bụi cây, tất cả đều là… mênh mông nước. Thầy cô không đến dạy được, lũ học sinh lại vui thích “được” nghỉ học và được làm bè, làm thuyền chơi (chắc thời đó còn vô tư).
Xóm tôi ở không bị ngập vì thuộc vùng đất cao hơn, nhưng những khu vực khác, cứ đến mùa lũ là phải chuyển đồ lên gác cao, hoặc phải đi ở nhờ chỗ khác. Khi nước rút đi thì bùn đất và rác còn vương lại khắp nơi, trong nhà, trên đường, những nhà bị ngập nước phải cùng nhau dọn sạch, rất vất vả.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ con đập, nhờ cửa biển mở rộng hơn (tôi đoán vậy), nước lũ không còn ngập cao và lâu như trước. Đường liên xã đã được trải nhựa nên rất sạch sẽ, đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.
Một chút kỉ niệm.